Theo dấu hành trình VH cafe - Kỳ 1: Cuộc hành trình đầu tiên
Một trong những câu chuyện lãng mạn, vĩ đại nhất hành tính này đó chính là câu chuyện về con đường đi của cà phê từ một cây thực vật bản địa đã phát triển trải rộng khắp 5 châu mang theo hương vị và sự hình thành cả một nền văn hóa thưởng thức cà phê. Thế nhưng, có rất ít người biết đến câu chuyện này.
Những câu chuyện của sự khởi nguồn
Cuộc hành trình của những cây cà phê bắt đầu từ mảnh đất châu Phi xa xôi. Đó là một nơi thuộc vùng cao nguyên Ethiopia vào khoảng thế kỉ thứ 9, nơi cây cà phê khởi đầu nguồn gốc của mình – tỉnh Kaffa. Chữ cà phê (coffee) không phải xuất xứ từ chữ Kaffa mà từ chữ cổ Ả Rập là “qahwah”.
Đã có rất nhiều giai thoại khác nhau, từ có vẻ thực tế đến viễn tưởng, lý giải xung quanh việc khám phá ra các tính chất tác dụng của hạt cà phê rang. Một trong số đó là câu chuyện về một người chăn dê tên là Kaldi, người Ethiopia. Anh ta đã rất ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến cả đàn dê hiền lành bỗng hành xử khác lạ, trở nên sinh động lạ thường sau khi ăn những hạt tươi chín mọng từ một loài cây lạ. Sự tò mò đã kích thích chàng trai trở nên liều lĩnh, anh đến gần và hái một vài trái ăn thử và anh cũng thấy mình trở nên hăng hái hẳn lên. Anh nghĩ mình đã gặp được một phép lạ thần kỳ nên vội vàng chạy về một tu viện gần đó báo lại. Các tu sĩ sợ rằng đây là một thứ trái cấm của quỉ dữ nên đã cho hái và đốt những trái cây này vào lò lửa nóng. Nhưng khi những hạt này bị đốt cháy lại tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt và hấp dẫn khiến những người chứng kiến tin rằng đây chính là một món quà của Thượng Ðế nên các tu sĩ vội vàng ra lệnh cho đem chúng ra khỏi lò lửa và lấy những hạt rang này pha trong nước cho mọi người cùng uống để cùng được hưởng thiên ân.
Một câu chuyện khác có tính xác thực hơn là những người nô lệ đã ăn phần thịt chín mọng của hạt cà phê như một loại lương thực. Trước thế kỷ thứ 10, những người nô lệ thường hái trái cà phê chín, giã ra và trộn với mỡ súc vật nặn thành từng cục tròn để dùng làm thực phẩm khi đi đường xa. Về sau cà phê được họ dùng làm thức uống với phương cách đơn giản là ngâm vào nước những trái cà phê rồi uống. Mãi tới thời trung cổ, người Ả Rập mới biết tán nhuyễn trái cà phê ra bỏ vào nước đun sôi.
Những người nô lệ bị các lái buôn di chuyển từ Sudan đến Yemen và Ả rập thông qua cảng Mocha. Mocha trở thành một danh từ riêng đồng nghĩa với cà phê. Cà phê bắt đàu được canh tác trồng trọt tại Yemen từ thế kỉ 15, tuy nhiên việc canh tác này có lẽ được bắt đầu sớm hơn.
Cách thức pha chế cà phê truyền thống của người Ethiopia là đem hạt cà phê cho vào một cái chảo to và rang lên, sau đó được nghiền vụn ra hoặc cho vào cối để giã nhuyễn rồi trộn với đường trong một cái bình gọi là Jebena (một loại bình cổ thon và có quai), nấu lên và đổ ra bát để uống.
Sự ra đời của quán cà phê
Cà phê nhanh chóng trở thành thức uống nổi tiếng khiến người Ethiopia rất tự hào và ra sức giữ bí mật cách pha chế cũng như giống cây để bảo tồn độc quyền loại thức uống này.
Vào thế kỷ thứ 13 khi cà phê trở thành một thức uống truyền thống của người Ả Rập thì những quán cà phê đầu tiên đã được ra đời tại Mecca, thường được gọi là “Kaveh Kanes”. Lý do chính cho phép cà phê trở thành món uống phổ biến là vì các nhà cầm quyền ở Yemen thời bấy giờ tích cực cổ vũ món cà phê để thay thế Kat- một loại cây bụi mà người ta có thể hái các mầm non và lá non và nhai như một chất kích thích. Thứ lá này có nhiều tính năng phụ nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Các quán cà phê sau đó lan tỏa khắp thế giới Ả Rập và trở thành nơi chơi cờ, tán chuyện, ca hát, nhảy múa và âm nhạc, và đặc biệt được các thương gia, các chính trị gia yêu thích lui tới để bàn thảo các công việc làm ăn và các kế hoạch.
Nhiều quán cà phê được trang hoàng sang trọng và mang đậm phong cách riêng biệt. Thời ấy, chưa có thứ gì sống động như là những quán cà phê- một điều chưa bao giờ xuất hiện trước đó. Quán cà phê là giao hòa giữa các chủ thể xã hội và giới kinh doanh trong môi trường thân thiện dễ chịu, nơi tất cả mọi người đều có thể đến và gọi một tách cà phê thơm ngon đề rồi cùng bắt đầu những câu chuyện trò.
Các quán cà phê của người Ả Rập nhanh chóng trở thành trung tâm của các hoạt động chính trị, và tất nhiên đều bị đàn áp, khống chế vì giới cầm quyền e ngại những kẻ đối lập có thể tụ họp bàn chuyện chống đối. Trong một vài giai đoạn trong những thập niên tiếp theo, cà phê và các quán cà phê bị cấm cửa, dù vậy, chúng vẫn tái xuất hiện. Tuy nhiên, việc cấm đoán này đã khiến cho việc uống cà phê trở thành thói quen của thường dân khi rất nhiều người sợ vướn vào rắc rối nên đã chọn việc uống cà phê tại nhà, và nhờ vậy mà kiểu cách uống cũng được bình dân hóa.
Khi lệnh cấm đoán tỏ ra không còn thuyết phục được người dân, rốt cuộc, các nhà cầm quyền quyết định đánh thuế lên cà phê, các quán cà phê và việc xuất khẩu cà phê.
Các nước Trung Ðông kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất và xuất cảng cà phê, và chỉ được mang hạt ra khỏi xứ sau khi đã rang chín ngõ hầu không ai có thể gây giống để đem trồng nơi xứ khác. Hạt cà phê thô xuất cảng được tách khỏi lớp thịt trái xung quanh nên cũng không thể nẩy mầm.
Người ngoại quốc cũng bị cấm không được đến những đồn điền trồng cà phê. Dù vậy, những khách hành hương được thưởng thức nước cà phê đã lén lút đem hạt giống về trồng và chẳng bao lâu sau đó, khắp khu vực Trung Ðông đã trồng giống cây này và sức lan truyền mỗi lúc một nhanh và xa hơn. Trung tâm giao dịch cà phê lúc này là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay. Cảng Mocha từng là cảng chính cho tuyến đường biển duy nhất đến Mecca và từng là hải cảng bận rộn nhất thế giới. Ðến thế kỷ 17, hầu hết cà phê trên thế giới đều nhập cảng từ các nước Ả Rập và lan tỏa đi đến các châu lục…
=> Đón đọc kỳ 2: Hành trình của sự lan tỏa
Khang Di (Theo: ICO)